Kon Tum – Ngày 30.01.2015, chính quyền tỉnh Kon Tum, cụ thể là UBND huyện Đăk Tô ra bản kế hoạch số 03 về việc tuyên truyền, vận động xử lý các công trình sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn huyện Đăk Tô. Chúng tôi được biết, nếu phải thực hiện theo kế hoạch trên thì sẽ có tới 22 nhà nguyện của bà con dân tộc thiểu số trong vùng phải phá hủy hoặc tháo dỡ.
Ngôi nhà nguyện tạm của chú Yao Phu Vom thuộc thôn 3 xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô
Dịp lễ Phục Sinh vừa qua, chúng tôi có dịp thăm gặp một số bà con trong vùng Đăk Tô. Khi nhắc đến kế hoạch của huyện Đăk Tô, bà con dân làng rất bức xúc về việc làm này của chính quyền. Họ nói rằng, sinh hoạt tôn giáo là quyền của người dân và không làm hại đến ai. Đạo dạy họ phải làm điều lành, mà không biết vì lý do gì chính quyền cấm không cho sinh hoạt tôn giáo và phá bỏ nhà nguyện của họ.
Được biết hiện nay nhà cầm quyền huyện Đăk Tô đang thực hiện bước một trong bản kế hoạch ba bước mà họ đưa ra. Đó là “vận động các hộ gia đình cam kết không sử dụng nhà vào mục đích sinh hoạt tôn giáo”. Nhưng thực ra họ đang gây áp lực, khủng bố tinh thần những gia đình đó ký vào biên bản cam kết có sẵn. Trong biên bản có nội dung: “cấm tụ tập đông người và sinh hoạt tôn giáo”.
Để rõ hơn, chúng tôi đã đến nhà chú Yao Phu Vom thuộc thôn 3 xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô để tìm hiểu. Ông Vom cho biết: “Ở thôn 3 đã có nhà nguyện từ trước năm 1975, nhưng vì chiến tranh nhà nguyện đã bị phá hủy. Sau 1975 bà con qui tụ nhau tại nhà chú Yao Phu để đọc kinh cầu nguyện. Vào thời điểm đó các cha không thể vào được, vì vậy tôi cho bà con trong làng mượn nhà của tôi để cầu nguyện. Đến năm 2006 vì bà con quá đông mà nhà tôi thì nhỏ và chật hẹp, nên tôi xin phép chính quyền cho tôi cơi nới bên hông nhà để dành riêng làm nhà cầu nguyện che nắng, che mưa cho bà con nhưng họ không cho. Dù vậy, gia đình tôi vẫn quyết định làm và gia đình tôi đã bán một số cây trắc để làm nhà tạm. Khi làm, vì còn thiếu tiền nên tôi đã xin thêm cha Tổng thời đó là cha Liên. Ngài cho được 07 triệu đồng để làm. Trong khi làm thì chính quyền có kêu lên hỏi và làm khó dễ chúng tôi. Nhưng rồi chúng tôi cũng dựng xong nhà tạm. Chiều ngang ngôi nhà rộng 6m, dài 9m dành cho bà con cầu nguyện. Khi đó thỉnh thoảng Cha Liên cũng có về dâng lễ cho chúng tôi. Ngôi nhà đó còn cho tới nay.”
Chú Yao Phu Vom nói tiếp: “Sau khi Cha Tổng Đại Diện Liên mất thì Cha Bá Năng Lý thay thế. Hàng tuần cha Lý về dâng lễ tại nhà nguyện của chúng tôi. Rồi khi cha Lý mất thì cha Tiên cũng về dâng lễ mỗi tuần cho đến nay. Ngày lễ thường thì từ 300 – 500 người, những ngày lễ lớn có khoảng 2000 – 3000 người tham dự, chật hết cả trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn nhà của tôi. Chúng tôi không biết vì sao chính quyền lại cấm không cho chúng tôi sử dụng ngôi nhà nguyện đã có trên 9 năm. Nếu không dự lễ ở đây thì bà con phải đi lên Đăk Môt, hay về Giáo xứ K’ Hring thì quá xa đối với bà con (hơn 15km)”
Chú Yao Phu Vom nói về suy nghĩ của mình khi biết chính quyền bắt tháo dỡ ngôi nhà nguyện nơi gia đình mình: Khi chúng tôi biết chính quyền cấm không cho sinh hoạt tôn giáo và phải tháo dỡ nhà nguyện của mình thì bà con rất bức xúc và buồn. Riêng đối với gia đình tôi thì chính quyền thôn, xã liên tục xuống nhà tôi gây áp lực. Họ bắt tôi phải ký vào bản cam kết gì đó. Lúc đầu tôi không ký thì ngày nào họ cũng xuống nhà tôi ngồi từ sáng đến chiều yêu cầu tôi phải ký, không ký thì họ không về. Tôi đi làm cũng không yên! Khi tôi đi làm ruộng họ cũng kêu về bắt ký. Tôi nói với họ: Tôi đi làm, các ông cứ bắt tôi về thì lấy gì nuôi gia đình tôi. Tôi cương quyết không ký và họ cứ đến liên tục, ngày nào cũng đến và tôi đi đâu họ cũng đi theo, khoảng 10 ngày như vậy. Tôi chịu không nổi, bởi hết thôn rồi đến xã, vì vậy tôi đã ký một cái bản cam kết gì đó mà họ chỉ đọc cho tôi nghe. Họ không cho tôi giữ lại cho mình một bản nào sau khi ký (họ nói nội dung bản cam kết là cấm tụ tập sinh hoạt tôn giáo tại nhà tôi vì không có phép và cũng không phải là nơi thờ tự)”
“Sau khi ký rồi, tôi có kể lại với dân làng sự việc trên. Tôi rất buồn và ân hận vì thấy mình đã phạm lỗi với Chúa, với bà con dân làng và kể cả với vợ con tôi. Tôi cũng đã xin lỗi Chúa, xin lỗi vợ con. Tôi cũng xin bà con dân làng hiểu và thông cảm cho tôi, sau này tôi không bao giờ ký gì nữa hết. Tại sao chính quyền lại cấm sinh hoạt tôn giáo vì mỗi người có quyền tự do tín ngưỡng mà. Nhà nước bảo là tự do tôn giáo mà lại cấm không cho sinh hoạt tôn giáo là như thế nào? Và uy hiếp tinh thần tôi, để tôi chịu không nổi áp lực mà phải ký vào biên bản để giờ đây bà con dân làng đang hiểu lầm tôi. Giờ đây tôi biết phải làm sao để tạo lại niền tin với bà con dân làng?”
Xin nhắc lại kế hoạch được triển khai làm ba bước của UBND huyện Đăk Tô. Bước một: Trực tiếp vận động yêu cầu các hộ gia đình cam kết không sử dụng nhà vào mục đích sinh hoạt tôn giáo. Bước hai: Theo dõi, nếu tiếp tục sử dụng nhà cho sinh hoạt tôn giáo thì sẽ bị lập biên bản, phạt hành chánh và buộc tháo dỡ hoặc đập phần nhà sử dụng cho việc thờ phượng. Bước ba: Những hộ chấp nhận triệt hạ nhà nguyện thì phần cơi nới hay nhà mới làm thêm được tiến hành làm giấy tờ hợp thức hóa nhà ở, những hộ không chấp nhận thì dứt khoát không làm thủ tục chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất.
Theo luật pháp hiện hành, nhà ở thuộc về sở hữu cá nhân, nên gia chủ có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Cho đến nay chưa có một văn bản có hiệu lực pháp luật nào cấm công dân không được sinh hoạt tôn giáo trong nhà mình cả. Ngược lại Khoản 01 Điều 9 Pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo qui định: “Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo”
Với những việc làm trên thì nhà cầm quyền huyện Đăk Tô đang dùng công quyền khủng bố, ép buộc người dân thực hiện theo ý đồ của mình, như vậy có đúng tư cách công chức và quan chức hay không ?
Được biết Giáo phận Kontum là Giáo phận được thành lập lâu đời nhất ở vùng Tây Nguyên và cũng là Giáo phận lớn thứ ba trong tổng số 26 Giáo phận ở Việt Nam. Địa giới giáo phận rộng 25.728 km², bao gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum. Dân cư cũng như các tín hữu chủ yếu là người các sắc tộc như dân tộc Xơđăng, Bahnar, Giẻ, Triêng, Jarai,Rơ Ngao… Niềm tin Công giáo đã được người thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng đất này đón nhận từ giữa thế kỷ 19. Hiện nay, giáo phận có khoảng 300.000 giáo dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quí vị về 22 nhà nguyện trên trong thời gian tới
0 nhận xét:
Đăng nhận xét