Tại Sao Gọi Là Dòng Khổ Tu?

Thỉnh thoảng ở Việt Nam, người ta nghe nói đến Dòng khổ tu, tựa như “Dòng Phước sơn”. Tại sao gọi là Dòng khổ tu? Phải chăng để đối lại với các Dòng “sướng tu”?
  
Nguyên ý niệm “đi tu” đã gợi lên trong đầu óc một nếp sống khắc khổ rồi. Vì thế nếu có ai mong muốn “tu sướng” thì ắt là sẽ sớm thất vọng. Thú thực rằng tôi không hiểu ai đã đặt ra từ “Dòng khổ tu”, bởi vì tôi không thấy có từ ngữ nào tương đương trong tiếng La-tinh.
Tại Sao Gọi Là Dòng Khổ Tu?

 Nhưng hiểu thế nào là tu trì khắc khổ? Người ta có cảm tưởng rằng những người đi tu ăn sang mặc đẹp hơn là người ở ngoài đời.
 
Tôi không dám phê bình những nhà tu hành ăn sang mặc đẹp. Rất có thể là họ nghĩ rằng còn có những cái khác còn khổ hơn chuyện ăn mặc, chẳng hạn như khổ vì không lập gia đình. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử đời tu Kitô giáo, chúng ta thấy rằng nếp sống tu trì rất khắc khổ, theo nghĩa là họ sống rất đạm bạc nếu chưa nói là man rợ. Đừng kể việc họ đã từ bỏ gia đình, tài sản, chấp nhận sống nghèo, họ còn bày ra nhiều cực hình khác để hành hạ thân xác: từ chuyện kiêng khem trong việc ăn uống, đến chuyện đứng phơi mưa phơi nắng giữa trời, bất kể thời tiết ra sao. Dĩ nhiên, đó là vài thái cực được thực hành bên Syria chứ không phải khắp mọi nơi.
 
Có phải nếp sống khổ hạnh đó chịu ảnh hưởng của Phật giáo không?
Hiện tượng khổ hạnh không phải riêng gì của Kitô giáo nhưng còn gặp thấy nơi các tôn giáo khác nữa, chẳng hạn như các Yogi bên Ấn độ hay các tu sĩ Phật giáo. Không hiểu vào lúc xuất hiện phong trào đan tu Kitô giáo hồi thế kỷ IV, ảnh hưởng của các tôn giáo Ấn độ đã lan tới nước Ai cập hay chưa. Một điều chắc chắn là không thiếu những mẫu gương rút từ trong Kinh thánh, điển hình là khuôn mặt của thánh Gioan Tẩy giả, được Phúc âm mô tả như “một người sống trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”.
 
Tuy nhiên bên cạnh hình thức bên ngoài (xem ra tương đồng giữa các tôn giáo), cần phải đi tìm các động lực bên trong nữa. Và chắc hẳn mỗi tôn giáo có những động lực khác nhau. Chẳng hạn, tuy có thể tìm thấy một động lực khá phổ quát của việc chay tịnh là tập tự chủ, dùng lý trí và ý chí để điều khiển bản năng nhu cầu ăn uống; nhưng không thiếu tôn giáo còn thêm động lực nữa là việc chay tịnh nhằm giúp cho tư tưởng dễ tập trung vào việc chiêm ngắm suy niệm. Hơn thế nữa, có tôn giáo lại chủ trương nhịn ăn nhịn uống để mau chết, nghĩa là được thoát khỏi ngục tù của thân xác, bởi vì họ quan niệm rằng thân xác là nơi giam giữ linh hồn. Theo chủ trương này, bởi vì linh hồn đã phạm tội cho nên bị đày đoạ xuống đầu thai làm người; do đó, cần phải hãm mình phạt xác, để cho linh hồn sớm được giải thoát.
 
Thế còn các đan sĩ Kitô giáo bị thúc đẩy bởi động lực nào khi thực hành các việc khổ chế?
Thiết tưởng chúng ta đừng nên coi tất cả các động lực vừa nêu lên đều trái ngược với Kitô giáo. Việc tự chủ, điều khiển các bản năng là một điều tốt. Việc tập trung tư tưởng để cầu nguyện cũng là một điều tốt. Chỉ duy chủ trương hành hạ thân xác để giúp cho linh hồn được giải thoát mới là trái nghịch với đạo lý công giáo về giá trị của thân thể.
 
Như lúc nãy đã nói, có lẽ cuộc đời thánh Gioan tẩy giả đã gợi hứng cho vài đan sĩ Kitô giáo trong việc thực hành đời khổ hạnh: động lực của nó mang tính cách thống hối, chuẩn bị đón chờ Chúa đến; khác một điều là đối tượng của sự mong chờ này không còn là đấng Mêsia (như ông Gioan tẩy giả) nhưng là Chúa Quang lâm. Một động lực khác có thể tìm thấy nơi các thư của thánh Phaolô tông đồ, bàn về việc kiềm chế các bản năng dưới khía cạnh tiêu diệt con người cũ (con người tội lỗi), đóng đinh nó vào thập giá, ngõ hầu con người mới được tái sinh (xc Gl 2,20; 6,14). Nói cách khác, động lực chính của thánh Phaolô là hoạ lại trong cuộc đời mình cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Đó là những động lực mà chúng ta có thể tìm thấy nền tảng trong Tân ước.
 
Bên cạnh đó, còn có những động lực nảy lên từ những hoàn cảnh lịch sử của Giáo hội, cách riêng vào thế kỷ III-IV, lúc khai sinh phong trào đan tu Kitô giáo. Như các bạn đã biết, trong các thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo đã bị Đế quốc Rôma bách hại, nhiều tín đồ bị bắt bớ, tra tấn và sát hại vì đức tin. Sang đến thế kỷ III và nhất là từ đầu thế kỷ IV, không những Giáo hội đã được hưởng tự do tôn giáo nhưng còn được chính quyền Rôma dành nhiều ưu đãi, với hậu quả là cuộc sống đạo bắt đầu giảm sút. Đứng trước nguy cơ đó, một số tín hữu đã từ bỏ nếp sống dễ dãi tại thành thị, rút lên hoang địa, chấp nhận nếp sống gian truân để nuôi dưỡng chí khí anh hùng, con cháu các thánh tử đạo. Họ tự tạo ra những khổ hình để hoạ lại cuộc đời anh hùng các thánh tử đạo. Phải nhận rằng đây là một động lực đặc thù vào lúc khai sinh phong trào đan tu Kitô giáo.
 
Nhưng mà ngày nay các tu sĩ Kitô giáo đâu còn duy trì nếp sống khổ hạnh như ban đầu: đâu còn ai phơi nắng phơi mưa giữa trời nữa đâu. Sự chuyển hướng đó xảy ra từ hồi nào?
 
Sự chuyển hướng này không phải chỉ mới xảy ra vào thời hiện đại, bị tố cáo là duy vật hưởng thụ. Nếp sống khổ hạnh của các đan sĩ bên Ai cập và Syria đã sớm bị chỉ trích là lập dị, cực đoan. Một cách cụ thể hơn, các đan sĩ Kitô giáo đã sớm tụ họp thành cộng đoàn, dưới sự hướng dẫn của bề trên. Bề trên được gọi là sư phụ, (nghĩa là cha và cũng là thầy) tìm cách huấn luyện cho các đan sĩ biết phân biệt giữa các động lực và các hình thức khổ chế. Động lực khổ chế thì không thay đổi, nhưng hình thức thì cần phải thích nghi tùy theo điều kiện không gian và thời gian. Ngoài những khổ hình gây ra cho thân xác qua việc dầm mưa dãi nắng, còn có những khổ hình tinh thần có khả năng không kém để rèn luyện đời sống đạo đức, chẳng hạn như: việc từ bỏ ý riêng của mình khi tuân giữ kỷ luật, việc chịu đựng sự xung khắc tính tình trong cuộc sống cộng đoàn.
 
Dù sao, từ khi có nếp sống cộng đoàn, việc thực hành các công tác khổ hạnh được xác định trong các quy luật, (từ giờ giấc ngủ nghỉ làm việc, cho đến các thời buổi cầu nguyện, giữ chay), chứ không còn để cho các cá nhân tự biên tự diễn như trước. Hiểu như vậy, phải nói rằng tất cả các Dòng đều là khổ tu.
 
Thế thì tại sao lại có một vài Dòng mang danh là khổ tu mà thôi, còn các Dòng khác thì sao?
Như đã nói ở đầu, tôi không rõ từ hồi nào từ ngữ “khổ tu” xuất hiện tại Việt Nam. Tôi chỉ xin đưa ra hai nhận xét sau đây liên quan đến dòng “khổ tu” và dòng “không khổ tu”. Nhận xét thứ nhất, liên quan đến sự tiến triển trong quan niệm về hình thức khổ tu. Hồi thế kỷ IV, khi hình thức tu trì Kitô giáo mới ra đời, các đan tu rút lui lên hoang địa, chấp nhận những cơ cực của rừng thiêng nước độc. Mục tiêu của họ là đi tìm Chúa (quaerere Deum). Nhưng chẳng bao lâu, các tín hữu cũng tìm đến các thầy tu, biến nơi tĩnh mịch thành làng mạc.
 
Với dòng lịch sử, các tu sĩ ý thức rằng mình không những phải đi tìm Chúa mà thôi nhưng còn phải mang Chúa đến cho tha nhân nữa. Từ đó, các tu viện được cất lên không những trên núi cao đồng vắng, nhưng ngay giữa chốn thị thành. Nếp sống này đòi họ phải xét lại các hình thức khổ hạnh. Họ quan niệm rằng việc khổ hạnh không những chỉ giới hạn vào chuyện thức khuya dậy sớm, ăn chay đánh tội, nhưng còn bao gồm nhiều hình thức khác: cần cù học hành, tận tâm với nhiệm vụ, dành thời giờ săn sóc những người bệnh nhân, rời bỏ quê hương để đi truyền giáo, vv... Đó cũng là những hình thức khổ chế.
 
Thực ra, những hình thức mới không loại trừ hình thức cũ, nhưng mở rộng tầm nhìn hơn. Từ đó, những dòng áp dụng hình thức cổ điển thì mang danh là “khổ tu”, còn những dòng mới thì không được coi là dòng khổ tu nữa. Nhận xét thứ hai: dù là dòng khổ tu hay dòng không khổ tu thì cũng gồm bởi những con người bằng xương bằng thịt, tinh thần nhanh nhẹn nhưng xác thịt nặng nề. Sau những phút hăng hái nhiệt thành ban đầu, dần dần tinh thần hy sinh giảm sút, nhất là dưới chiêu bài thích ứng với thời đại (hay với nhu cầu tông đồ). Từ đó, trong Giáo hội, đã có nhiều phong trào cải cách nổi lên, yêu sách trở về với tinh thần nghèo khó của Phúc âm, cách riêng trở về với những động lực ban đầu của đời tu khắc khổ nhiệm nhặt. Từ đó, có những dòng tu hay những ngành cải tổ mang danh là “khổ tu”.
 
Thực ra, trong các tiếng Châu Âu, danh xưng của họ là “dòng nhặt phép” (stricta observantia), như là trường hợp giữa dòng Trappist (nhặt phép) và dòng Xitô (rộng phép), tuy rằng vào hồi khai nguyên, dòng Xitô được coi là nhiệm nhặt so với dòng Biển đức. Một cách tương tự như vậy, đối với Dòng Phansinh, ngành Capuxinô được coi là nhiệm nhặt; còn với dòng Carmêlô, khuynh hướng nhiệm nhặt mang tên là “không đi giày”.
 
Thế nào là hình thức nhiệm nhặt?
Việc nhiệm nhặt được diễn tả qua nhiều hình thức: chẳng hạn như không đi giày, nghĩa là chỉ đi dép giữa trời băng tuyết; hoặc giữ luật thinh lặng tuyệt đối; hoặc là tuyệt đối không ăn thịt; hoặc là khắc khổ về lương thực, và nói chung, sự nhiệm nhặt được hiểu như nếp sống thanh đạm từ y phục, đến nhà ở, và thậm chí các nhà thờ nhà nguyện đều giữ nét đơn sơ. Đối với vài dòng khác, nếp sống nhiệm nhặt có nghĩa là trở về với tinh thần nguyên khởi của vị sáng lập, loại trừ những lối giải thích nới rộng, hoặc những chước chuẩn.
 
Ngoài ra, thiết tưởng cũng nên nhắc đến một hình thức khắc khổ khác nữa, đó là hình thức ẩn tu.
 
Trên đây tôi có nói là các đan tu Kitô giáo đã sớm rời bỏ nơi cô tịch để sống thành cộng đoàn. Tuy vậy, hình thức ẩn tu vẫn tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như nơi dòng Chartreux, và gần thời đại chúng ta hơn cả là cha Charles de Foulcauld. Bộ giáo luật 1983, điều 603, đã chấp nhận hình thức này.


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Chia Sẽ Lên Google Plus

Giới Thiệu

Trang được thành lập để chia sẻ, Tổng Hợp những Tức công giáo, Phim Ảnh, Tài liệu Dành cho người Công Giáo, các Kitô hữu, và những ai mong muốn tìm hiểu Đức Tin Công Giáo một cách sâu sắc hơn – Để yêu mến Chúa Kitô và Mẹ Hội Thánh hơn.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét