Kinh Tin Kính là gì?

Đối với dân ngoại, “kinh” là một quyển sách đáng kính, bởi vì chứa đựng giáo lý và khuôn phép cổ truyền của các nhà minh triết hoặc của các tôn giáo; thí dụ: Kinh Dịch, Kinh Phật, Kinh Thánh... Tín hữu các tôn giáo cũng gọi là “kinh” những công thức tóm lược, vắn gọn thường được dùng trong các nghi lễ hoặc các buổi cầu nguyện, đọc kinh...
Kinh Tin Kính là gì?


  
Nghe đến “Kinh Tin Kính” là tín hữu Kitô sực nghĩ ngay đến kinh mình đọc để tuyên xưng đức tin một cách vắn tắt. Tín hữu Công giáo đọc Kinh Tin Kính trong phụng vụ chính thức và trong các dịp cầu nguyện riêng, và có lẽ đó là kinh duy nhất mặc nhiên cho biết rõ người đọc là ai: một tín hữu Công giáo.

Kinh Tin Kính là dây nối kết các thế hệ Công giáo, từ các tông đồ cho tới bây giờ và mãi mãi về sau, đồng thời cho thấy đó là đức tin “tông truyền.” Từ khởi đầu, các tông đồ đã khuyên các tín hữu hãy nắm giữ những truyền thống các vị đã dạy hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các thư (x. 2Tx 2,15; 1Tm 6,20), mà đa số các thừa sai ngay trong thời sơ khai Hội Thánh, cũng đã lãnh nhận; thánh Phaolô đã ghi rõ lại lề lối hành động của chính ngài về điểm đó: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận...” (1Cr 15,3). Trong thế giới, đức tin này đã nảy sinh từ những khổ đau giữa một xã hội chối từ, dưới một chính quyền chống báng, áp bức; vì thế, lời tuyên xưng đức tin như thế đã ngay từ đầu, mặc lấy hình thức biện giáo. Tông đồ Giuđa xác tín là cần phải “khuyên nhủ anh em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ” (Gđ 3). Tính cách “chỉ một lần là đủ” này (trong tiếng Hylạp là hápax) được Tân Ước nhiều lần nhấn mạnh đến, bởi nó làm chứng cho duy nhất tính của biến cố Đức Kitô (x. Gđ 5; Dt 9,27.28; 1Pr 3,18), và đưa đến việc Hội Thánh thiết cấu một công thức chung hầu trung thành tuyên xưng lòng tin đối với biến cố cứu độ. Là một thực tại sống động, đức tin lớn lên và được củng cố kiên vững qua hành động chuyên cần tuyên xưng; chính vì thế, cần phải siêng năng đọc Kinh Tin Kính.

Đức tin Kitô giáo không phải là một danh sách các chân lý, mà là lòng trung tín đối với Chúa Kitô, là thái độ làm chứng cho Ngài. Để làm chứng như thế, Hội Thánh dựa vào các Phúc Âm; nhưng các văn bản này lại quá dài để có thể sử dụng mà tuyên tín trong đời sống hằng ngày. Vì thế, từ đầu các tông đồ đã dùng những công thức vắn gọn hơn để nói lên điều Phúc Âm trình bày dài rộng. Và đó là những “Kinh Tin Kính,” những bản tóm gọn giáo lý nhằm mục đích giúp cho mọi người nhận ra ngay những điểm then chốt Hội Thánh tuyên xưng và cẩn trọng bảo toàn. Tuy nhiên, vẫn còn cần phải ngẫm đọc Kinh Thánh, không phải để tìm kiếm “bằng cớ” cho những khẳng định mình tuyên xưng, nhưng là để hiểu sâu rộng thêm hơn về các chân lý tin nhận. Kinh Thánh có một uy thế đặc thù, bởi: “đó là lời Chúa,” trong khi Kinh Tin Kính chỉ là lời của Giáo Hội. Kinh Tin Kính là một công thức có cơ cấu: mỗi khẳng định là cấu tố của toàn bộ, liên quan đến các khẳng định khác và góp phần vào việc nhận thức toàn bộ và từng phần. Vì thế, để chỉ về các mệnh đề trong công thức, truyền thống thường dùng từ articulum fidei, tức tín khoản có liên hệ, nối khớp với các tín khoản khác như các khúc xương nối khớp thành bộ xương đỡ lấy thân mình. Khi đọc Kinh Tin Kính, Kitô hữu không chỉ tuyên xưng đức tin riêng của cá nhân mình, song là đức tin chung của toàn thể Hội Thánh; vì vậy, dù có bắt đầu tuyên xưng là “tôi tin kính” thì sau đó cũng nói lên những điều liên quan đến Chúa Kitô, Chúa “chúng tôi” và tin vào “Giáo hội Công giáo,” vào sự việc “các thánh thông công,” v.v., để nêu rõ tính chất phổ quát của “đức” và “niềm” tin Kitô. Cả đến khi tôi đọc kinh riêng một mình, tôi cũng vẫn là người Công giáo, thành phần của gia đình phổ quát và, trong tinh thần, tôi cùng đồng tâm nhất trí với toàn thể Hội Thánh. Như thế, công thức này nối kết tôi lại với toàn bộ lịch sử Kitô giáo, làm bằng chứng cho sự liên tục hiệp thông và thống nhất trong đức tin. Thật vậy, Kinh Tin Kính có mặt trong phụng vụ Rửa tội – là lúc, là nơi dây hiệp thông ấy sinh ra – và trong phụng vụ Thánh Lễ – là nơi mối hiệp thông ấy thành tựu.

Một thắc mắc: Kinh Tin Kính đã được công tuyên suốt bao thế kỷ trong khắp thế giới; vậy, làm sao một công thức duy nhất như thế có thể diễn tả được lòng tin chung của hàng triệu triệu người sống trong nhiều dân nước khác nhau, trong nhiều nền văn minh văn hóa khác nhau, v.v.? Làm sao ý nghĩa lại vẫn là một như xưa dù thời gian và hoàn cảnh không ngừng đổi thay? Đó quả là vấn đề đáng đặt ra. Các thứ tiếng Hy lạp và Latinh dùng trong nguyên văn đã chết đi, ý nghĩa của nhiều từ đã đổi thay... cho nên cần phải không ngừng phiên dịch ra trong các thứ tiếng từng nơi từng thời, cần phải thích nghi với văn phép và cú pháp của mỗi ngôn ngữ mà vẫn giữ y nguyên ý nghĩa. Những chân lý tôn giáo này không phải là những khái niệm trừu tượng, nhưng là những nét biểu hiện của niềm tin sâu thẳm, cụ thể và sống động, đâm rễ từ một kinh nghiệm, và vì thế, dù có thuộc các nền văn hóa khác nhau, thì cũng vẫn có thể đối thoại và hiệp thông với nhau trong đối tượng tuyệt đối của niềm tin là mầu nhiệm Thiên Chúa. Và dù sao, công thức nào cũng đều bất toàn, cũng cần được bổ túc bằng việc giải thích và học hỏi; ở đây là học hỏi giáo lý.

Những Kinh Tin Kính Khác Nhau

Trong tiến trình lịch sử, tùy và để thích ứng với hoàn cảnh, Hội Thánh đã sáng tác một số Kinh Tin Kính. Lúc đầu, các Kitô hữu đã được mời gọi để tuyên xưng đức tin trước dân ngoại hoặc trong phụng vụ Rửa tội. Giữa xã hội Do thái, các môn đệ tuyên xưng: “Đức Giêsu là Kitô” (Cv 5,42), hoặc trong đế quốc Rôma – tức trong môi trường buộc phải tuyên xưng hoàng đế là “chúa” – họ từ chối làm như thế và đã tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,11). Họ cũng đã dùng đến một công thức phức tạp hơn nhưng lại dễ nhớ như đọc thấy trong 1Cr 15,3-4. Lời tung hô này nói lên căn tính của họ ở giữa dân ngoại. Vì thế, các công thức kia được gọi là symbolum, “ký hiệu” (biểu tượng), tức như là một loại mật khẩu để nhận ra nhau hoặc để cho thấy căn tính Kitô (x. Sách Giáo Lý Công giáo,[1] số 183tt). “Sym­bo­lon” là ký hiệu theo nghĩa là – thí dụ – lấy một mảnh giấy hoặc một chiếc nhẫn, rồi xé hoặc đánh vỡ làm đôi, mỗi người lấy một nửa; về sau, khi hai bên hoặc đại diện của họ gặp lại nhau thì ráp hai phần với nhau: nếu ăn khớp thì đó là bằng chứng đích thực chính họ là những người đã gặp nhau trước kia. Đã có một thời, các tôn giáo và các trường phái sử dụng cách dùng ký hiệu như thế. Thì cũng vậy, Kinh Tin Kính chứng thực căn tính Kitô của người đọc, khác hẳn với người lạc giáo. Do bởi động từ symballein (đặt với nhau, kết hợp) mà ra,symbollon tượng trưng cho niềm hiệp thông, ngược lại với diabállein (tách ra, chia rẽ), là từ gốc của chữ diábolos, tức ma quỷ, tội ly khai. Các tín biểu (công thức đức tin) làm cho đức tin thật sự nối kết các tín hữu lại với nhau, các cộng đoàn thành một Hội Thánh. Chẳng thế mà Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 3,4-6). Còn thánh Augustinô thì nói: “Tuyên xưng tín biểu tức nói lên rõ mình là người Kitô đích thực.”

Phụng vụ khai tâm Kitô đi theo một quá trình khá dài, diễn ra từ lúc một dự tòng được chấp nhận cho đến khi chịu phép Rửa và rước Mình Thánh. Trong tiến trình khai tâm đó, có nghi thức gọi là traditio sym­boli, tức trao tín biểu (symbolum) để nhắn nhủ các dự tòng phải cẩn trọng giữ nằm lòng công thức đức tin. Thánh Xyrillô Giêrusalem nói: “Người dự tòng phải thuộc lòng tín biểu như ghi khắc vào trái tim – chứ không chỉ như viết lên giấy – để cho khỏi quên”; trước khi chịu phép Rửa, người dự tòng được yêu cầu “trả lại tín biểu,” tức tuyên xưng trước cộng đoàn, đức tin theo công thức nhận được và đã thuộc; một khi thấy đức tin của dự tòng chính là đức tin của cộng đoàn thì cộng đoàn mới coi họ là đáng được gia nhập Giáo Hội. Trong phụng vụ Rửa tội, tuyên xưng đức tin có thể tiến hành theo hình thức đối thoại, như thường thấy hiện nay trong ngày thứ bảy Tuần Thánh. Sau khi họ đã hứa từ bỏ Satan, linh mục hỏi:
- Có tin kính Thiên Chúa là Cha...
- Thưa tin.

- Có tin kính Đức Giêsu Kitô...
- Thưa tin.

- Có tin kính Chúa Thán Thần...
- Thưa tin.


Trong các thế kỷ 2 và 3, có những công thức đã được hình thành và ghi chép lại trong các sách phụng vụ.

Trong lịch sử cứu độ, Giáo Hội là bước tiếp kế Do thái giáo. Trong Cựu Ước, các công thức tuyên xưng đức tin thường mang hình thức lịch sử (x. Đnl 6,20-24; 26,59; Gs 24,2-13) hoặc ca vịnh (x. Tv 78; 105; 136...). Trong kinh shemá, đọc vào buổi sáng và buổi chiều, Israel tuyên xưng Đức Giavê đã dựng nên trời đất muôn vật, đã chọn Abraham làm tổ phụ của dân Người và đã giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ Ai cập, rồi ban cho họ đất hứa. Vì thế họ phải yêu mến Thiên Chúa duy nhất hết lòng họ, hết trí khôn và hết sinh lực của họ. Như vậy, kinh tuyên xưng này là lời nói lên tâm tình thờ phượng, cầu xin và tán tụng, cũng như biểu hiện cuộc sống, cuộc sống đạo giữa dòng lịch sử. Tiếp kế Israel trong Thần Khí của Chúa Kitô, Hội Thánh gọi Abraham là “tổ phụ chúng ta” trong đức tin. Tin nhận Đức Kitô là tâm điểm của đức tin ấy, Hội Thánh đã từng bước biểu trình nó qua một số công thức – những tín biểu – theo nhu cầu mục vụ của những thời đại khác nhau. Từ những câu đơn sơ như: “Đức Giêsu là Kitô,” hoặc “Đức Kitô là Chúa,” lời tuyên xưng đã dần dần được biểu đạt bằng những công thức phức tạp hơn, mang tính cách tam vị – như đọc thấy ở trong các thư của thánh Phaolô, chẳng hạn: 1Cr 12,4, 2Cr 13,13, v.v.. – và hình thức này đã trở thành chính thức trong công thức tuyên tín của bí tích Thánh Tẩy (x. Mt 28,19), như sách Điđakhê (x. 7.1) cho thấy rõ. 

“Lịch sử cho thấy có nhiều bản tuyên xưng đức tin hay tín biểu khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của những thời đại khác nhau, và đó là: những bản tín biểu của các Giáo Hội thời các tông đồ và thời cổ (DS 1-64),[2] bản tín biểu “Quicumque” cũng gọi là của thánh Atanasiô (DS 75-76),[3] những bản tín biểu của một số Công Đồng, như: Tôlêđô (DS 525-541),[4] Latêranô (DS 800-802), Lyon (DS 851-861), Trentô (DS 1862-1870), hay của một số Giáo Hoàng như bản ‘Tuyên Xưng’ của Đức Giáo Hoàng Đamasô (DS 71-72), bản ‘Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa’ (SPF) của Đức Phaolô VI (1968)” (GL 192).

Các bản tuyên xưng lúc đầu chỉ đề cập đến Ba Ngôi: “Tôi tin Thiên Chúa Cha toàn năng... và Chúa Giêsu Kitô và Thánh Thần”; rồi sau đó thêm: câu “tạo thành trời đất...” vào phần liên quan đến Chúa Cha; một số chi tiết lịch sử vào các phần liên quan đến Chúa Con và Thánh Thần; cuối cùng thêm lời tuyên xưng về “Hội Thánh”. Các chi tiết ghi thêm như thế thường là để khẳng định chống lại một lạc giáo hoặc để chấm dứt một vụ tranh luận; do đó, có thể đoán nhận được hậu cảnh luận chiến hoặc minh giáo của các chi tiết ấy.

Kinh Tin Kính các Tông đồ đã hình thành trọn vẹn ngay từ thế kỷ 4; dường như từ thời hội đồng Rôma (năm 340). Thủ bản xưa nhất còn lưu lại là một bài giảng của đan viện trưởng Pirminius (thế kỷ 8). Dù phát gốc từ phương Tây – lúc mà Giáo hội Đông và Tây chỉ là một, không khác gì nhau – bản tín biểu đã rút nội dung giáo lý của mình ra từ các Tín biểu của công đồng Nixê và Côngxtăntinốp. Trải qua bao thế hệ, bao thế kỷ, không một Kinh Tin Kính nào đã có thể thay thế nổi tín biểu ấy. Tại sao được gọi là “của các tông đồ? Sách Giáo Lý giải thích:

“Gọi như thế vì bản này được xem như bản tóm lược trung thành đức tin của các Tông đồ... [và theo thánh Ambrôsiô] đây là tín biểu được bảo tồn trong Giáo Hội Rôma, nơi thánh Phêrô, thủ lãnh các tông đồ, đã đặt tông tòa và đã đem lại sự nhất trí trong toàn Hội Thánh” (số 194).

Cũng có huyền thoại cho rằng các tông đồ gặp lại nhau để minh định đức tin chung, và mỗi vị góp đã một phần, làm thành Kinh Tin Kính này.[5] Cũng vì lẫn lộn hai chữ symbolon và symbolé (bằng tiếng Latin là collatio tức đóng góp, lược đồ) nên mới có chuyện cho rằng “sym­bolon” là bản văn gồm 12 chân lý căn bản do 12 tông đồ đề nghị. Quả truyện thuật này đã muốn nhấn mạnh đến tính chất tông truyền của đức tin, bởi Giáo hội “đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,20).

Cấu Trúc của Kinh Tin Kính

Dựa vào truyện thuật về 12 tông đồ góp ý trên đây, nhiều người đếm được 12 “tiết” hoặc tín khoản trong Kinh Tin Kính. Thánh Tôma Aquinô chia thành 7 điểm liên quan đến thiên tính và 7 điểm liên quan đến nhân tính của Đức Kitô. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, nếu xét theo một mặt là cách đặt câu hỏi trong nghi thức Rửa tội, và mặt khác là thể dạng khẳng định trong bản văn, tín biểu các tông đồ mang rõ cấu trúc tam vị. Giữa thế kỷ 4, cấu trúc ‘thể ba’ hiện rõ và phổ quát. Trong thư viết cho giám mục Rôma là Julius I (337-352), Marcellus, Giám mục thành Ancira, đã tuyên xưng đức tin như sau: “Tôi tin kính Thiên Chúa toàn năng, và Đức Giêsu Kitô, Con duy nhất của Người và là Chúa chúng ta, đã sinh ra bởi Thánh Thần và Đức Maria đồng trinh, đã chịu đóng đinh và mai táng dưới thời Phôngxiô Philatô, đã từ kẻ chết sống lại ngày thứ ba, và đã lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha; từ đó Ngài sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết. Và [tôi tin] Chúa Thánh Thần, Hội Thánh, [phép] tha tội, xác loài người [ngày sau] sống lại. Amen.” Ba tín khoản như vậy (về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thanh Thần) là ba trụ cột để xây dựng toàn bộ công thức Tín Biểu các Tông Đồ. Thánh Xêdariô thành Arles († 542) đã viết ra bản văn như hiện đang dùng.

Có tác giả giải thích Kinh Tin Kính như một vở kịch ba hồi; hồi một: Thiên Chúa tạo thành trời đất; hồi hai: vì loài người phá hoại chương trình Chúa, nên Cha đã sai Con đến để sửa lại mọi sự; hồi ba: sau cuộc cứu chuộc, Thánh Thần đến để qua con đường Hội Thánh, dắt ta đi về quê Trời. Giải thích như thế thì hay đẹp, nhưng sự việc đã không xảy ra theo diễn tiến trước sau như vậy. Ngay trong giây phút này, con người gặp gỡ và thờ phượng Đấng Tạo Hóa, ngay trong giây phút này, con người nhận được ơn cứu chuộc, và ngay trong giây phút này, Thánh Thần thánh hóa chúng ta. Cả đến “sự sống đời đời... đời sau” cũng khởi đầu ngay trong hiện tại, chứ chẳng phải đợi đến tương lai.

Cấu trúc ‘thể ba’ là một cấu trúc hữu cơ: tất cả các phần (tín khoản) đều quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, chỉ có thể hiểu được một phần trong ánh sáng của hai phần kia. Nội dung Tín biểu nói lên mầu nhiệm Thiên Chúa, mà Thiên Chúa chỉ có một, thế nên, tuyên xưng đức tin về một điều là mặc nhiên nói lên niềm tin vào các điều khác, vào hai phần kia. Tất cả các hành động ngoại tại – tức ngoài sinh hoạt nội tại giữa Tam Vị, trong chính bản tính Thiên Chúa – quy gán cho mỗi Ngôi đều là hành động chung của cả Ba Ngôi. Vì thế, khi Kinh Tin Kính khẳng định một điều về một Ngôi thì phải hiểu ngầm về hai Ngôi kia. Câu tuyên tín nào cũng đều mặc nhiên nói lên lòng tin vào toàn bộ mầu nhiệm tuyệt đối; tuy nhiên, vì trí khôn không thể hiểu được và ngôn ngữ không thể biểu đạt nổi trong cùng một lúc, bằng một câu, hết các chân lý của mầu nhiệm, nên phải trình tả thành nhiều câu, nhiều tín điều, nhiều khía cạnh... của cùng một mầu nhiệm.

Trở Về Nguồn

Chỉ mới bắt đầu mà thiên niên kỷ thứ ba đã phải đụng đầu với một cơn khủng hoảng trầm trọng về giá trị đang làm lung lạc toàn bộ nền văn minh, văn hóa thế giới; còn Giáo Hội thì đang sống như trong một cơn lốc làm như muốn lật ngã quyền bính ở trên và lòng tin ở dưới. Xã hội nói chung lại đối nghịch với tôn giáo, còn những thế hệ trẻ thì dường như không còn tin tưởng ở những gì tuyệt đối bất di dịch. Rất nhiều người thành tâm thiện ý ưu lo cho tương lai và muốn kiếm tìm một nền móng vững bền để nương tựa, để củng cố những giá trị cổ truyền, hoặc lòng tin tôn giáo, hay là để có được một niềm hy vọng... hoặc may ra tìm lại được ý nghĩa cuộc sống. Cả đến tôn giáo cũng bị những chủ nghĩa xâm nhập lấn át, gây rối tới lãnh vực đức tin, và ngay thần học cũng làm như bất lực hoặc tỏ vẻ thông đồng. Hoàn cảnh đã như thế thì cần phải trở về với nguồn cội của lòng tin chưa bị ô nhiễm. Kinh Tin Kính là một con đường vừa ngắn vừa dễ, có đủ sức đưa dẫn tín hữu về với sứ điệp các tông đồ và với chính Đức Kitô.

Đức tin là khiên mộc của Kitô hữu trong trận chiến hằng ngày chống lại tội ác, chống lại quỷ dữ (x. Ep 6,11-18); chẳng thế mà các giáo phụ đã khuyên đọc Kinh Tin Kính để “tự vệ chống lại cơn cám dỗ của kẻ thù” (Ambrôsiô), bởi kinh đó là “khiên mộc kháng địch lại ác quỷ” (Augustinô), là “thuốc giải nọc rắn độc” (Quodvultdeus). “Đừng quên tín biểu” – như thánh Phêrô Chrisôlôgô căn dặn – là “của ăn đàng cho suốt đời” (Xyrillô); do đó, thánh Augustinô khuyên đọc Kinh Tin Kính mỗi ngày, lúc thức dậy ban sáng và lúc đi ngủ ban tối, và “luôn luôn giữ trong lòng những điều mình đã thuộc, ngẫm suy về đức tin lúc nằm trên giường, loan báo đức tin lúc ở ngoài đường, nhớ tới đức tin khi ăn và mơ về đức tin khi ngủ.” Nếu đức tin được quan niệm như là nguồn cứu độ – như thánh Phaolô hằng không ngừng nhắc lại – thì tín hữu không thể không làm chứng cho niềm tin ấy: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,9-10), và tông đồ đã trưng dẫn Thánh vịnh: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói” (2Cr 4,13). Thế thì lạ gì khi nghe thánh Augustinô thốt lên: “Chúa ơi, khốn cho kẻ câm lặng, không nói về Chúa!”[6]

Ắt là lòng tin phải đi đôi với lương tâm chính trực, như thánh Phaolô viết: “Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1Tm 1,19). Đức tin phải lớn lên đến mức “trưởng thành”, bởi nếu chỉ biết lặp đi lặp lại những gì đã nhận được từ thời đi học sách bổn thì hẳn là không đủ cho người lớn phải ứng phó với những đòi hỏi khó khăn của cuộc đời; vậy, cần phải học hỏi thêm mãi. Mục đích của sách giáo lý là giúp cho các tín hữu hiểu rõ hơn về đức tin Công giáo và sẵn sàng chiến đấu vì đức tin ấy – như thánh Phaolô viết cho Timôthê (x. 1Tm 6,12) – ý thức rằng chủ nghĩa vô thần đang dâng cao và đó là – như Công đồng Vaticanô II đã nhận định – “sự kiện nghiêm trọng nhất trong thời đại này... người tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc bởi trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ chân dung đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (GS 19.3). Trình bày các tín điều cơ bản của đức tin mong góp được phần vào việc lãnh hội xác đáng hơn và công khai tuyên xưng với một thái độ vừa khiêm nhường vừa xác tín hơn, là mục tiêu thiên khảo luận nhắm tới.

“Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh en được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người... nhờ lòng tin được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,19-19).


---------------------------------------------- 
[1] Viết tắt là GL.

[2] DS là Enchiridion Symbolorum, do Heinrich Denzinger xuất bản lần đầu năm 1854, và do Adolf Schönmetzers in lần 32 (1963), và cuối cùng lần 38 (1999) do P. Hünermann.

[3] Bản Tín biểu này xuất hiện hồi thế kỷ 4, được Truyền thống quy gán cho thánh Atanasiô, giám mục Alêxanđria; nhưng không có gì là chắc chắn về việc quy gán này. Bản văn khá dài này trình bày về Thiên Chúa Ba Ngôi, theo giáo lý các công đồng Nixê và Conxtantinốp, để kết án lạc giáo Ariô. Bản Tín biểu này gồm hai phần: phần đầu ghi các chân lý phải tin về Thiên Chúa: “Chúng tôi thờ phượng một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi trong sự hiệp nhất [của một Thiên Chúa]”; phần hai nói về “ngôi hiệp” tức là về tình trạng hiệp nhất của thiên tính và nhân tính trong Đức Giêsu Kitô: Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là con người.

[4] Công đồng Tôlêđô, ở Tây Ban Nha, năm 589, đã xuất bản Kinh Tin Kính nặng thần học vì phải bệnh vực đức tin chống lạc giáo nghĩa tử thuyết.

[5] Thánh Ambrôsiô kể lại sự việc này trong Explanatio symboli, 8 (xem H. de Lu­bac, La foi chrétienne, Essai sur la structure du symbole des apôtres, Aubier-Mon­taigne, Paris, 1969, 19-53).

[6] Xem Confessiones, I.4.4



(Nguồn: HTTH số 38&39)
Chia Sẽ Lên Google Plus

Giới Thiệu

Trang được thành lập để chia sẻ, Tổng Hợp những Tức công giáo, Phim Ảnh, Tài liệu Dành cho người Công Giáo, các Kitô hữu, và những ai mong muốn tìm hiểu Đức Tin Công Giáo một cách sâu sắc hơn – Để yêu mến Chúa Kitô và Mẹ Hội Thánh hơn.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét